Cây đinh lăng là dược liệu quý, có thể sử dụng cả lá, thân, củ để làm thuốc chữa bệnh. Ngoài nhu cầu thị trường lớn thì đây là loài cây dễ trồng, chi phí đầu tư ban đầu thấp, ít bệnh nên được bà con nông dân có xu hướng lựa chọn trồng nhiều.
1. Chọn giống trồng đinh lăng
Để có được vườn đinh lăng hiệu quả cao, khâu chọn giống đinh lăng là một trong những công đoạn quan trọng nhất, quyết định năng suất cây trồng. Do vậy, lựa chọn đúng giống đinh lăng sẽ giúp bà con thu lại giá trị cao hơn. Có 2 loại đinh lăng là: đinh lăng tẻ và đinh lăng nếp.
Đinh lăng tẻ: Là giống có vỏ sần, lá to và duỗi thẳng, củ nhỏ, ít rễ. Vỏ bì củ đinh lăng tẻ khá mỏng và cứng nên không cho giá trị kinh tế cao.
Đinh lăng nếp: Là giống có lả nhỏ và xoăn. Củ to, nhiều rễ và vỏ nhẵn trái ngược hẳn với đặc điểm của cây đinh lăng tẻ. Ngoài ra, phần vỏ bì của củ cũng dầy hơn, mềm hơn nên cho chất lượng và năng suất cao hơn.
Khi trồng cây đinh lăng, bà con nên lựa chọn giống đinh lăng nếp sẽ đem lại năng suất cao và giá trị kinh tế hơn so với giống đinh lăng tẻ.
2. Thời vụ trồng đinh lăng
Đinh lăng là loại cây dễ trồng, có sức sống mãnh liệt cao, khả năng chịu hạn tốt, thậm chí có thể sinh trưởng và phát triển trong môi trường thiếu ánh nắng mặt trời. Do vậy, bà con có thể trồng loại cây này vào bất kì thời điểm nào trong năm.
Tuy nhiên, nếu bà con muốn tiết kiệm công sức chăm sóc cây đinh lăng thì nên trồng vào thời điểm đầu mùa mưa trong khoảng từ tháng 4 -5 dương lịch, để đỡ công tưới nước. Trước đó khoảng 4 -5 tháng, bà con tiến hành ươm cây giống để cây ra rễ tốt rồi mới đem đi trồng. Nếu bộ rễ phát triển chưa đầy đủ, sẽ giảm tỉ lệ sống và sức phát triển của cây khi qua môi trường mới.
3. Chuẩn bị đất trồng cây đinh lăng
Đinh lăng là cây dễ trồng, không kén đất, có thể sinh trưởng và thích nghi tốt với mọi loại đất, chỉ cần bà con đảm bảo cây không bị úng ngập, đất thoáng là được.
Ở những vùng đồi núi hoặc khu đất cao, bà con có thể đào hố trồng đinh lăng trực tiếp. Còn ở những khu vực trũng hoặc đất bằng phẳng, thì cần xới đất, lên luống hoặc tạo những mô đất cao để trồng cây, giúp đinh lăng không bị ngập úng nếu trời mưa và cũng dễ dàng chăm sóc, thu hoạch hơn.
Trong trường hợp diện tích vườn rộng, bà con có thể sử dụng máy xới đất đa năng hỗ trợ, vừa giảm thời gian làm đất, vừa đảm bảo đất tơi xốp đồng đều. Lên luống cao khoảng 25-35cm và rộng 50cm.
Nếu trồng tại đất đồi, dễ thoát nước, bà con đào hố có kích thước 40x40x40cm, khoảng cách các hố là 50cm.
Mỗi hecta trồng đinh lăng, cần bón 10 -15 tấn phân chuồng đã ủ hoai mục, kết hợp với 400-500kg NPK. Nên bón phân trong quá trình xới đất để phân được hòa trộn đều vào trong đất. Nếu đất đồi thì bón lót dưới đáy hố.
Bà con cần tiến hành làm đất trước khi trồng cây nửa tháng, vừa đảm bảo cho đất ổn định, vừa cân bằng hệ sinh thái trong môi trường đất, giúp cây mau chóng bén rễ và phát triển nhanh.
4. Cách trồng đinh lăng lấy củ
Sau khi chuẩn bị xong đất trồng và lựa chọn được các bầu cây đinh lăng giống ưng ý, bà con dùng dao rạch lớp nilon bầu đất. Thao tác cần phải nhẹ nhàng để tránh làm vỡ bầu đất hoặc đứt rễ cây. Đặt cây con vào chính giữa hố đã được đào sẵn sao cho bề mặt bầu đất ngang bề mặt luống, rồi lấp đất vào phần gốc tạo thành mô cao có độ dốc, tránh tình trạng ngập úng nước.
Sau khi trồng xong, bà con nên tưới nước để cây con bén rễ sớm. Nên trồng đinh lăng vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh những hôm thời tiết nắng nóng hoặc mưa to. Nếu thời tiết nóng bức, bà con có thể lấy cỏ khô, rơm rạ, bèo tây để ủ gốc cây, giảm tình trạng bay hơi nước, tránh làm cây con bị khô héo.
5. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
5.1. Bón phân:
– Sau trồng 5 – 7 ngày nên hòa loãng lân supe với nước để tưới kích thích bộ rễ phát triển.
– Bón thúc lần 1: Khi cây ra lá mới, chồi ngọn phát triển, với lượng 8 – 10 kg đạm ure/sào.
– Bón thúc lần 2: Sau lần 1 khoảng 5 – 6 tháng với lượng 20 – 30 kg lân supe + 8 – 10 kg đạm ure + 4 – 6 kg Kaly. Bón phân cách gốc 15 – 20 cm, sau đó lấy đất phủ kín phân.
– Từ năm thứ 2 nên bón bổ sung 3 – 4 tạ phân chuồng và 10-15 kg phân NPK/ lần/sào.
– Ngoài ra có thể sử dụng phân NPK của Lâm Thao, Văn Điển, Ninh Bình, … theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.
5.2. Tưới nước
Sau trồng thường xuyên tưới đủ ẩm để cây nhanh bám đất. Khi bộ rễ đã phát triển thì tùy theo tình hình mà tưới nước phù hợp. Lưu ý: Không được để ngập úng, nếu gặp mưa lớn phải khẩn trương tháo cạn nước. Khi tưới chỉ nên tưới vừa đủ, không để đọng nước quá lâu, dễ bị nấm bệnh tấn công.
5.3. Chăm sóc khác
Trồng được 2 năm tuổi trở đi, nên cắt bỏ bớt cành và lá thừa vào khoảng tháng 4 và tháng 9 hàng năm. Mỗi gốc chỉ nên để 1 -2 cành to để dinh dưỡng tập trung nuôi củ. Thường xuyên dọn cỏ sạch sẽ trong vườn, tránh để cỏ rậm rạp vừa cạnh tranh dinh dưỡng với cây, vừa là nơi cư trú, lan truyền mầm bệnh.
5.4. Phòng trừ sâu bệnh
– Giai đoạn đầu: Chú ý phòng trừ sâu xám, rầy, rệp sáp, sâu ăn lá, nấm bệnh, … bằng các thuốc trừ sâu có tính nội hấp, lưu dẫn.
– Từ năm thứ 2 trở đi: Cây dễ bị chuột cắn rễ cần có các biện pháp diệt chuột thường xuyên. Nhìn chung, khi sang năm thứ 2 cây đã khỏe mạnh và rất ít sâu bệnh, công tác chăm sóc tập trung vào bón phân và tưới nước.
6. Thu hoạch
Thông thường cây Đinh lăng từ 3 năm tuổi là cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch vào tháng 10 -12 hàng năm. Sau khi thu hoạch tiến hành phân loại những thân tốt để làm giống. Các bộ phận khác như rễ, thân, lá có thể bán tươi hoặc chế biến ngay.